#091 | Xác định việc thiếu hàng so với hợp đồng

12/26/2023

Tình tiết sự kiện:

Công ty Trung Quốc (Nguyên đơn - Bên mua) ký hợp đồng với Công ty Việt Nam (Bị đơn - Bên bán) để mua cao su. Hàng đã được chuyển sang Trung Quốc cho Bên mua nhưng Bên mua cho rằng có việc thiếu hàng. Trên cơ sở kết quả giám định của một tổ chức tại Trung Quốc, Hội đồng Trọng tài xác định có việc thiếu hàng.

Bài học kinh nghiệm:

Trong hợp đồng mua bán hàng hóa có việc giao hàng từ bên bán sang bên mua. Về số lượng cần giao, khoản 1 Điều 34 Luật Thương mại năm 2005 quy định “bên bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng”. Quy định này cũng tương thích với khoản 1 Điều 412 Bộ luật dân sự năm 2005, theo đó “Việc thực hiện hợp đồng phải tuân theo các nguyên tắc sau đây: thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác”. Bộ luật dân sự năm 2015 cũng có quy định theo hướng tương tự tại khoản 2 Điều 279 theo đó “nếu là vật cùng loại thì phải giao đúng số lượng”.

Trong thực tế, chúng ta đôi khi gặp trường hợp bên mua cho rằng thiếu hàng so với hợp đồng và việc xác định này là cần thiết để áp dụng các biện pháp tương ứng nếu có việc thiếu hàng thực sự.

Trong vụ việc trên, sau khi hàng đến cảng dỡ hàng Qingdao, đại lý giao nhận vận tải của Nguyên đơn đã đến cảng làm thủ tục nhận hàng. 02 containers chứa đựng hàng được hải quan sở tại cân hàng theo quy định của Pháp luật hải quan Trung Quốc trước khi giao cho Người nhận hàng. Khi cân hàng, hải quan sở tại phát hiện trọng lượng hàng thiếu hụt trên 17 tấn so với chứng từ giao hàng. Do khác biệt lớn giữa trọng lượng khai báo trong chứng từ giao hàng với trọng lượng thực qua cân, 02 containers bị hải quan lưu giữ để mở ra kiểm tra. Chứng thư giám định do H kết luận tình trạng bên ngoài container bình thường và trước khi mở 02 containers, các seals của 02 container đều còn nguyên, chưa bị đứt (intack), và số các cặp chì đều phù hợp với chứng từ giao hàng, tuy vậy, khi mở 02 containers, giám định viên và hải quan sở tại thấy hàng được xếp từ cuối containers ra đến cửa, nhưng nhìn từ sàn lên nóc containers thì chỉ có một nửa container là có hàng và hàng không được xếp đầy containers. Ở đây, theo kết quả giám định, chỉ có 743 bành cao su được dỡ ra khỏi 02 container, dẫn đến tổng số hàng bị thiếu là 517 bành.

Tuy nhiên, Bên bán (Bị đơn) cho rằng mình đã giao đúng và đủ hàng như quy định trong hợp đồng. Về phía mình, Hội đồng Trọng tài xác định “Chứng thư giám định của H cấp tại cảng dỡ hàng là phù hợp với quy định của Điều 6 hợp đồng cũng như phù hợp với quy định về cơ quan giám định hàng hư hỏng thiếu hụt ở cảng đích ghi trong Giấy chứng nhận bảo hiểm lô hàng do chính P cấp. Vì vậy, Chứng thư giám định này là cuối cùng và có giá trị ràng buộc cả Nguyên đơn và Bị đơn. Nguyên đơn cũng đã tuân thủ đầy đủ và đúng các bước quy định về trình tự và thủ tục khiếu nại đòi bồi thường hàng hóa thiếu hụt quy định tại Điều 6 của hợp đồng”.

Như vậy, trước sự bất đồng giữa các bên về việc hàng được giao có đầy đủ hay không, Hội đồng Trọng tài đã dựa vào kết quả giám định. Ở đây, hàng đang ở nước ngoài và tổ chức giám định là tổ chức nước ngoài nhưng vẫn được Hội đồng Trọng tài chấp nhận. Để chấp nhận kết quả trên, Hội đồng Trọng tài đã căn cứ vào Điều 6 của hợp đồng theo đó “nếu phát hiện chất lượng, quy cách phẩm chất, số lượng, trọng lượng không phù hợp với hợp đồng thì Người mua sẽ thông báo cho Người bán biết và Người mua có quyền khiếu nại Người Bán dựa trên cơ sở Giấy chứng nhận giám định do cơ quan giám định độc lập có uy tín cấp trong vòng 30 ngày kể từ khi hàng đến cảng đích, các bên cũng thỏa thuận rằng Người bán sẽ không chịu trách nhiệm về hư hỏng tổn thất nếu do nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của chủ tàu hoặc người bảo hiểm”.

Việc xác định hàng hóa có đúng số lượng so với hợp đồng thường được đối chất trực tiếp giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, vụ việc trên cho thấy không có việc giao nhận trực tiếp nên đã dẫn tới khó khăn trong việc xác định. Cuối cùng, Hội đồng Trọng tài đã căn cứ vào giám định của một tổ chức để xác định và thực tế việc giám định của tổ chức này đã được dự liệu trong hợp đồng. Đây là bài học bổ ích cho việc giao nhận hàng và các bên trong hợp đồng nên có thỏa thuận minh thị về tổ chức giám định cũng như trình tự giám định để hạn chế những tranh chấp sau này về việc xác định hàng có đủ so với hợp đồng hay không.

*Tuyên bố bảo lưu: Bài viết được đăng tải với mục tiêu cung cấp thông tin có giá trị tham khảo đối với các Trọng tài viên, các bên tranh chấp, những người tham gia tố tụng trọng tài cũng như những người đang nghiên cứu và tìm hiểu về phương thức trọng tài thương mại và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Mọi sự dẫn chiếu, trích dẫn từ bên thứ ba bất kỳ đến một phần hoặc toàn bộ nội dung tại bài viết này đều không có giá trị và không được VIAC thừa nhận. 

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI